Dự án thuỷ điện Xekaman 1

 

Công trình thủy điện Xekaman 1được xây dựng tại địa phận huyện Xansay, tỉnh Attapeu, nằm sâu giữa đại ngàn nước bạn Lào, cách cửa khẩu Ngọc Hồi, Kom Tum gần 100 km.

Dự án có tổng mức đầu tư 539.489 triệu USD, được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT với thời hạn là 25 năm, bao gồm 03 công trình:

  • Công trình thủy điện Xekaman 1 có công suất thiết kế 290MW, bao gồm 02 tổ máy, mỗi tổ máy công suất 145MW. Sản lượng điện hàng năm đạt xấp xỉ 1,1 tỷ kWh.
  • Công trình thủy điện Xekaman SanXay có công suất thiết kế 36MW, bao gồm 02 tổ máy mỗi tổ máy công suất 18MW. Sản lượng điện hàng năm đạt khoảng 0,13 tỷ kWh.
  • Công trình đường dây 230KV dài 70.67 km từ Nhà máy thủy điện Xekaman 1 tới biên giới Việt Nam – Lào (cửa khẩu Bờ Y – Kon Tum) kết hợp cùng đường dây 220kV từ biên giới về Trạm biến áp 500kV Pleiku2 (do EVN đầu tư xây dựng) để truyền tải điện từ nhà máy thủy điện Xekaman 1 về Việt Nam.

Ngày 06/3/2011, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng Chính phủ Lào Sổm sa vạt Lềnh sạ vắt đã nhấn nút phát lệnh khởi công công trình.

Để hoàn thành hạng mục đập tràn và đập dâng, các đơn vị thi công đã đào đắp hơn 6 triệu m3 đất đá. Đổ trên 1,2 triệu m3 bê tông các loại. Lắp đặt 6 nghìn tấn thiết bị đảm bảo chất lượng.

Ngày 28/8/2016, tổ máy số 1 có công suất 145 MW của nhà máy thủy điện Xekaman 1 đã chính thức phát điện và truyền tải điện về Việt Nam.

Ngày 29/11, tổ máy số 2 của Nhà máy thủy điện Xekaman 1 hòa lưới điện thành công.

Xekaman 1 là nhà máy thủy điện có công nghệ hiện đại sử dụng tua-bin Francis trục đứng. Thiết bị cơ điện của Xekaman 1 do nhà thầu ANDRITZ Hydro, Cộng Hòa Áo cung cấp với công nghệ hàng đầu Châu Âu.

Hầu hết những thiết bị này đều có kích cỡ và khối lượng lớn, như rô to nặng 430 tấn. Đây là thiết bị siêu trường, siêu trọng, là một hạng mục khó khăn phức tạp và quan trọng nhất trong tổng số gần 2000 tấn thiết bị cần phải lắp đặt.

Các thiết bị và hệ thống được sử dụng trong nhà máy như hệ thống điều tốc, hệ thống kích từ và các hệ thống DCS điều khiển nhà máy, là công nghệ mới nhất trên thế giới hiện nay. 

Bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, các nhà thầu đã hoàn thành việc lắp đặt thành công và đúng tiến độ.Trước kia công tác lắp đặt thiết bị các tổ máy đều phải thuê nhiều chuyên gia nước ngoài đến công trình để hướng dẫn. Ngày nay, các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã đảm nhận tất cả các khâu từ lắp đặt đến thí nghiệm hiệu chỉnh, đưa nhà máy vào vận hành cho kết quả an toàn chất lượng.

Phần lớn điện năng của Nhà máy thủy điện Xekaman 1 được truyền tải về Việt Nam trên tuyến đường dây 230 kV mạch kép nối giữa nhà máy thủy điện Xekaman 1 và Trạm biến áp 500 kV Pleiku 2  đặt tại Việt Nam có tổng mức đầu tư 165,3 triệu USD. Trong đó Công ty Cổ phần Điện Việt Lào là chủ đầu tư tuyến đường dây 230 kV – phần trên lãnh thổ Lào có tổng mức đầu tư 52,3 triệu USD. Hệ thống truyền tải này có công suất truyền tải đảm bảo là 500MW và có thể nâng lên 800 MW.

Đây là tuyến đường dây áp dụng công nghệ truyền tải điện hiện đại nhất. Hiện nay, tập đoàn Điện lực Việt Nam đã vận hành, an toàn, ổn định tiếp nhận điện từ nhà máy Xekaman 1 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và Bộ Công Thương Việt Nam.

Nằm trong cụm dự án thủy điện Xekaman 1, công trình thủy điện Xekaman XanXay là công trình bậc dưới của công trình thủy điện Xekaman 1. Thủy điện Xekaman Xanxay được thiết kế có tổng công suất lắp máy là 36 MW với tổng vốn đầu tư là 60,64 triệu đô la Mỹ. Điện lượng trung bình năm là 123 triệu kWh.

Ngoài nhiệm vụ cung cấp điện năng, thủy điện Xekaman Sanxay còn có nhiệm vụ cấp nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cho 400ha Khu Tái định cư thuộc dự án thủy điện Xekaman 1 và kết nối giao thông giữa trung tâm Huyện Sanxay với khu Tái định cư này.

Với dự án cụm nhà máy thủy điện Xekaman 1 và nhà máy thủy điện Xekaman Sansxay, ngoài việc đảm bảo hiệu quả đầu tư tối ưu, một vấn đề then chốt khác là các yếu tố tác động môi trường và đảm bảo cuộc sống dân sinh vùng dự án và cả vùng hạ lưu

Thủy điện Xekaman 1 được thiết kế sử dụng nước đa mục tiêu, vừa sản xuất điện năng, vừa cung cấp nước cho sản xuất lương thực. Bên cạnh đó hình thành các điều kiện nuôi trông thủy sản và vận tải thủy

Hồ thủy điện Xekaman1 có tổng dung tích khoảng 1,68 tỷ m3. Ngay sau khi đi vào hoạt động, dù thời tiết bất thường, nhưng với cách điều tiết khoa học, các nhà máy thủy điện Xekaman 1 đã vận hành khá hiệu quả, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu cho vùng hạ lưu của các địa phương góp phần vào việc bảo đảm an ninh lương thực.

Để hoàn thành dự án thủy điện Xekaman 1, phải di dời và tái định cư 2 bản Dakbou và Souksavang với 143 hộ với 800 nhân khẩu.

Công ty Cổ phần Điện Việt Lào đã đầu tư gần 7 triệu USD để xây dựng hai khu tái định cư: Souksavang Dakbou và Houydum.

Khu tái định cư Souksavang Dakbou của Dự án thủy điện Xekaman 1 được khởi công xây dựng tháng 6/2014, với tổng chi phí đầu tư là 2,93 triệu USD, đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng ngày 16/12/2015. Khu tái định cư được xây dựng trên diện tích đất 1.264 ha cho 143 hộ dân với tổng số gần 800 nhân khẩu, với đầy đủ hệ thống giao thông đồng bộ, điện, nước, trường học, trạm y tế, chợ, nhà văn hóa, Trung tâm khuyến nông – khuyến ngư, Bến thuyền phục vụ khai thác thủy sản tại hồ Xekaman1.

Khu tái định cư Houydoum đã bàn giao giai đoạn 1 vào tháng 11/2017, dự kiến khánh thành và bàn giao toàn bộ vào tháng 6/2018. Khu tái định cư được xây dựng theo quy hoạch và có tính đến tầm nhìn đến năm 2036 với tổng mức đầu tư 3,89 triệu USD cho 98 hộ dân với 559 nhân khẩu. Tổng diện tích Khu tái định cư là 1.155ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp là 277,36 ha, đất xây dựng khu dân cư là 64,64 ha.

Mỗi hộ dân khu tái định cư có diện tích đất ở 800m2 bao gồm: nhà ở, nhà kho, bếp, chuồng gia súc, nhà vệ sinh; đồng thời được cấp 01 ha  đất trồng lúa nước, 01 ha đất trồng lúa nương, 1,1 ha đất trồng cây lâu năm, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, phân bón và tập huấn đào tạo kỹ thuật về nuôi trồng.

Bên cạnh đó, công ty hỗ trợ đào tạo nghề, giúp bà con có điều kiện ổn định, yên tâm sống tại nơi ở mới. Hồ thủy điện Xekaman 1 ra đời đã tạo ra một nguồn lợi thủy sản lớn. Hiện nay, nghề đánh bắt thủy sản tại lòng hồ ngày càng phát triển. hình thành những làng đánh bắt cá tại đây

Để hỗ trợ việc khai thác thủy sản của người dân, công ty cổ phần Điện Việt Lào đã hỗ trợ xây dựng một bến thuyền là điểm cho thương lái tới thu mua, vận chuyển phân phối đi nhiều tỉnh của Lào.