Hội nghị Bộ trưởng Việt Nam - Lào về hợp tác lao động lần đầu tiên

Ngày 14/8/2009, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Việt Nam - Lào về hợp tác lao động lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào On-chăn Thăm-mạ-vông.

 

Ngày 14/8/2009, tại thành phố Đà Nẵng, Hội nghị Bộ trưởng Việt Nam - Lào về hợp tác lao động lần đầu tiên được tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân và Bộ trưởng Bộ Lao động và Phúc lợi xã hội Lào On-chăn Thăm-mạ-vông. Đại diện các tỉnh dọc biên giới Việt - Lào và các doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Lào tham dự Hội nghị.

Theo báo cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam thì hiện tại có khoảng 20.000 người lao động Việt Nam đang làm việc tại Lào, trong đó phần lớn là theo các dự án hợp tác đầu tư, trúng thầu, còn lại là lao động thời vụ của các địa phương vùng biên giới giáp Lào. Nhìn chung, người lao động Việt Nam làm việc tại Lào được chính quyền các cấp phía Lào đánh giá là đã tích cực, góp phần đáng kể vào sự nghiệp xây dựng, phát triển các địa phương, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, phát triển quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.

Hội nghị nóng lên với phần tham luận của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư, kinh doanh tại Lào như: Tổng công ty Sông Đà, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Công ty hợp tác kinh tế Quân khu IV, ... . Rất nhiều đề xuất, kiến nghị được đưa ra, hầu hết đều xoay quanh các vấn đề về thủ tục xuất nhập cảnh, quản lý lao động, các loại phí, thuế mà người lao động phải đóng, các chế độ quyền lợi của người lao động Việt Nam khi đi làm việc tại Lào.

Đại diện Tổng công ty Sông Đà, ông Thái Sơn - Phó Tổng giám đốc kiến nghị Bộ Lao động hai nước cần ban hành cơ chế riêng đối với người lao động Việt Nam làm việc tại Lào theo các dự án hợp tác đầu tư, cụ thể:

1.   Về phía Việt Nam:

-          Người lao động Việt Nam làm việc tại Lào theo các dự án hợp tác đầu tư giữa hai nước vẫn thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc với tỷ lệ tham gia và hưởng đầy đủ các chế độ BHXH, BHYT như khi làm việc ở trong nước, không phân biệt trước khi đi làm việc ở nước ngoài đã tham gia BHXH hay chưa.

-      Về chế độ tiền lương:

+ Các loại phụ cấp: Hiện tại TCT Sông Đà đang vận dụng mức phụ cấp đối với một số công trình thủy điện ở Việt Nam để áp dụng đối với lao động Việt Nam làm việc tại Lào. Đề nghị Bộ Lao động, thương binh và xã hội nghiên cứu, ban hành quy định riêng về chế độ phụ cấp đối với lao động Việt Nam làm việc tại Lào như: phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực: 1,0; ăn ca: 20.000đồng/người/ngày.

+ Đề nghị tính đủ các chi phí cho người lao động: chi phí nhập cảnh, lưu trú, làm thẻ lao động, ăn ca, .....

-          Bộ Lao động, thương binh và xã hội có hướng dẫn cụ thể về công tác điều tra tai nạn lao động tại công trường;

2.   Về phía Lào:

-          Thủ tục lao động Việt Nam nhập cảnh vào Lào đề nghị thực hiện theo cơ chế 1 cửa, doanh nghiệp chỉ cần nộp hồ sơ và nhận quota tại một cơ quan duy nhất là Bộ Lao động và phúc lợi xã hội. Các quy định về thời hạn làm việc, lưu trú giữa cơ quan an ninh và cơ quan quản lý lao động cũng cần phải thống nhất và thông thoáng, tránh tình trạng người lao động đã có đầy đủ thẻ lao động, thẻ lưu trú rồi mà vẫn chỉ được phép lưu trú với thời hạn không quá 30 ngày như khách du lịch.

-          Giảm chi phí làm thẻ lao động, thẻ lưu trú và thuế thu nhập cá nhân cho lao động Việt Nam làm việc tại Lào

-          Đề nghị địa phương bố trí lực lượng Công an hoặc Bộ đội biên phòng phối hợp với lực lượng bảo vệ của doanh nghiệp tổ chức tuần tra, xử lý các đối tượng trộm cắp, gây rối trật tự trên công trường.

-          Nghiên cứu mở tuyến xe khách từ các dự án nơi có nhiều lao động Việt nam làm việc về Việt Nam để người lao động đi lại được thuận tiện và giảm chi phí.

      -    Có chính sách hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động Lào để vừa đáp ứng nhu cầu thị trường vừa phát triển kinh tế cho người dân

Liên quan đến vấn đề hạn ngạch lao động nước ngoài, Bộ trưởng On-chăn Thăm-mạ-vông đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động và Phúc lợi xã hội các địa phương trong việc cung ứng và hướng nghiệp cho lao động Lào; tuyên truyền, phổ biến pháp luật hai nước cho người lao động. Đối với những vấn đề đại biểu kiến nghị, Bộ trưởng khẳng định sẽ giải quyết hoặc báo cáo Chính phủ giải quyết trong thời gian sớm nhất.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cảm ơn các đại biểu đã tới tham dự và thảo luận góp phần quan trọng vào sự thành công của Hội nghị. Bộ Lao động hai nước sẽ khẩn trương xem xét, báo cáo Chính phủ hai nước giải quyết thấu đáo những kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp. Phát huy kết quả của Hội nghị lần đầu tiên, Bộ Lao động hai nước sẽ trình Chính phủ hai nước thành lập Tiểu ban hợp tác về lao động trực thuộc Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam - Lào và sẽ tiến hành gặp gỡ thường xuyên để trao đổi, tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, nhằm đưa quan hệ hợp tác lao động Việt - Lào ngày càng phát triển tốt đẹp.
 

Nguồn tin: Trần Diệu Hà