Giải pháp phát triển đầu tư của DNVN vào lĩnh vực công nghiệp ở CHDCND Lào

Năm 1993, dự án công nghiệp đầu tiên của Việt Nam đăng ký đầu tư vào Lào mở đầu một thời kỳ mới trong hoạt động đầu tư vào CHDCND Lào của doanh nghiệp Việt Nam (DNVN).

Tuy nhiên, giai đoạn 1993-1998, các dự án của Việt Nam đăng ký đầu tư vào Lào ít (chỉ có 4 dự án với tổng vốn đăng ký 2,8 triệu USD). Chỉ từ sau năm 1998, các dự án đầu tư vào Lào bắt đầu có tăng trưởng nhanh về số lượng và quy mô dự án, tính đến 15/11/2008, đã có 144 dự án được chính thức cấp phép đầu tư vào CHDCND Lào trong đó số dự án công nghiệp là 90 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 1,062 tỷ USD (chiếm 69%) tổng vốn đăng ký đầu tư vào CHDCND Lào.

Trước sự tăng nhanh về số lượng và quy mô dự án đầu tư sang CHDCND Lào, việc quản lý nhà nước đang gặp phải nhiều bất cập làm chậm triển khai dự án, giảm hiệu quả đầu tư và thậm chí, làm lỡ mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp (DN) đầu tư vào CHDCND Lào. Bài viết này nhằm nhận dạng nguyên nhân hạn chế và đưa ra một số giải pháp cơ bản phát triển đầu tư của DN Việt Nam vào CHDCND Lào những năm tới đây.
 


1. Những nguyên nhân hạn chế chủ yếu trong phát triển đầu tư công nghiệp sang CHDCND Lào:

Một là, hệ thống pháp luật thiếu nhất quán, chưa đồng bộ, các văn bản hướng dẫn thực hiện đầu tư ra nước ngoài chưa kịp thời; hoạt động phổ biến các văn bản luật và nhất là phổ biến văn bản thỏa thuận giữa 2 nước còn hạn chế: Việt Nam và Lào đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, trong đó nhiều thỏa thuận tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư của Việt Nam sang Lào, tuy nhiên, các thỏa thuận này chưa được phổ biến rộng rãi cho cơ quan thực thi cũng như cho các DN, dẫn tới việc đàm phán, ký kết chỉ có ý nghĩa về mặt ngoại giao chứ không hỗ trợ được cho hoạt động đầu tư.

Hai là, thủ tục quản lý hành chính nhà nước còn rườm rà, chưa nhất quán. Công tác báo cáo hoạt động đầu tư chưa tập trung về một đầu mối, chưa cải tiến hình thức báo cáo bằng e-mail, fax mà vẫn sử dụng hình thức báo cáo gửi văn bản truyền thống. Một số cửa khẩu Việt Nam chưa thực hiện đúng quy trình xuất nhập hàng hóa, vật tư, thiết bị phục vụ đầu tư; còn gây khó khăn, đình máy móc thiết bị vô lý tại cửa khẩu.

Ba là, thiếu chiến lược và quy hoạch đầu tư công nghiệp ra nước ngoài của nhà nước: điều này dẫn đến đầu tư tràn lan, thiếu định hướng vào CHDCND Lào và việc hỗ trợ phát triển đầu tư cho DN Việt Nam của các tổ chức, ban, ngành chức năng khó cụ thể và tập trung. Hơn nữa, cơ chế cho DN vay đầu tư ra nước ngoài chưa được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Các ngân hàng Việt Nam có chi nhánh ở CHDCND Lào mới được cấp phép nên hoạt động cầm chừng. Thị trường tiền tệ biến động, đồng Việt Nam thường xuyên mất giá so với Kíp Lào nên gây không ít khó khăn về tài chính cho nhà đầu tư Việt Nam.

Bốn là, chưa có cơ quan quản lý chuyên trách hoạt động đầu tư ra nước ngoài nói riêng và quản lý đầu tư vào CHDCND Lào nói chung. Bởi vậy, việc theo dõi số liệu đầu tư đang được thực hiện chung với vùng, quốc gia khác trên thế giới nên không tránh khỏi tình trạng bình quân chủ nghĩa, không biết nên quản lý, hỗ trợ như thế nào cho thị trường Lào trong hoạt động phát triển đầu tư. Mặt khác, nhà nước chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của đầu tư sang CHDCND Lào đối với an ninh năng lượng, an ninh quốc phòng... Sự chưa quan tâm và đầu tư nghiên cứu thích đáng cho hoạt động đầu tư vào CHDCND Lào sẽ không có được các luận cứ khoa học để nhà nước chi ngân sách phát triển các dịch vụ và tổ chức hỗ trợ hoạt động đầu tư này.

Trước xu thế quốc tế hóa và hội nhập, nhất là hội nhập WTO đang tới gần, nghị quyết đại hội Đảng lần thứ X đã định hướng: "Xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, phát triển thị trường mới, sản phẩm mới và thương hiệu mới. Khuyến khích các DN Việt Nam hợp tác, liên doanh với các DN nước ngoài và mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài ".

Để thực hiện định hướng chiến lược trên, Nhà nước phải sử dụng đồng bộ các giải pháp cơ bản sau để phát triển đầu tư vào CHDCND Lào trong những năm tới.

2. Giải pháp phát triển đầu tư của DN Việt Nam vào lĩnh vực công nghiệp CHDCND Lào

Một là, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý cho DN thực hiện đầu tư ra nước ngoài; Tăng cường tuyên truyền, phổ biến nội dung của các văn bản luật này và các thỏa thuận song phương giữa Việt Nam và CHDCND Lào cho các DN và cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan.

Mục tiêu bổ sung và hoàn thiện hệ thống pháp luật là nhằm đảm bảo thống nhất và đồng bộ trong thực hiện chiến lược đầu tư ra nước ngoài. Điều đó sẽ khơi thông nguồn vốn của các DN trong nước ở tất cả các thành phần kinh tế để phát huy tối đa nội lực trước thềm hội nhập WTO. Cụ thể như sau:

- Ban hành các văn bản pháp luật đầu tư ra nước ngoài chi tiết, mở rộng đối tượng điều chỉnh trong một văn bản luật.

- Thông tư hướng dẫn thực hiện các văn bản luật phải rõ ràng và kịp thời, việc giải thích phải cụ thể.

- Bổ sung, thống nhất các văn bản luật quy định về quản lý ngoại hối, chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư, chuyển lợi nhuận về nước… trên cơ sở tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện đầu tư ở nước ngoài.

- Tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các DN đầu tư ở Lào bằng các hiệp ước song phương và đa phương về đầu tư, thương mại, thuế... giữa Việt Nam và CHDCND Lào.

- Tuyên truyền và phổ biến sâu rộng Luật đầu tư nước ngoài số 59/2005/QH11 đã được Quốc hội thông qua vào ngày 29/11/2005; Nghị định hướng dẫn đầu tư ra nước ngoài số 78/2006/NĐ-CP ngày 9/8/2006 phổ biến các hiệp định song phương, các nguồn vốn ODA của Việt Nam dành cho CHDCND Lào cho cán bộ ở các Bộ, Ngành và lãnh đạo DN ở các buổi hội thảo, học tập pháp luật, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Hai là, đổi mới, đơn giản hóa các thủ tục quản lý hành chính Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hành chính.

Để tạo thông thoáng cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài, Nhà nước cần đổi mới thủ tục quản lý hành chính và tập trung chủ yếu vào những điểm sau:

- Tiếp tục cải tiến các thủ tục đầu tư ra nước ngoài theo hướng tinh giảm đầu mối, đơn giản hóa chế độ báo cáo cho các cơ quan chức năng nhà nước, thực hiện báo cáo về một đơn vị duy nhất và từ đó các đơn vị liên quan sẽ lấy báo cáo từ đơn vị này.

- Đẩy nhanh ứng dụng chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước ở tất cả các tỉnh thành từ địa phương đến trung ương nhằm đơn giản hóa phương thức quản lý, tiết kiệm chi phí và thuận tiện trong công tác tổng hợp báo cáo phục vụ tốt việc hoạch định chiến lược đầu tư ra nước ngoài của Nhà nước.

- Phân cấp quản lý nhà nước về thủ tục đầu tư ra nước ngoài thành các khu vực, vùng địa lý. Báo cáo tiến độ đầu tư, báo cáo kết quả kinh doanh của các DN đầu tư ở CHDCND Lào phải cụ thể, rõ ràng. Tránh hiện tượng chồng chéo trong quản lý và cấp phép đầu tư ra nước ngoài, đảm bảo tính nhất quán trong tổ chức thực hiện.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Đảm bảo đầu tư đúng ngành nghề theo giấy phép đã được cấp.

- Chống tiêu cực trong việc làm thủ tục xuất, nhập hàng qua biên giới giữa Việt Nam và Lào. Tạo thuận lợi và cho xuất, nhập cảnh kịp thời các hàng hóa, thiết bị của các dự án đầu tư của DN Việt Nam tại CHDCND Lào khi có đủ giấy tờ theo quy định.

Ba la, xây dựng chiến lược đầu tư công nghiệp sang CHDCND Lào dài hạn, duy trì ổn định thị trường tiền tệ trong nước, ban hành cơ chế vay vốn đầu tư sang CHDCND Lào cho các DN Việt Nam.

- Cục đầu tư nước ngoài chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan xây dựng chiến lược đầu tư dài hạn phù hợp cho DN Việt Nam sang CHDCND Lào dựa trên các lợi thế của hai bên. Yêu cầu của bản chiến lược là phải có thời gian dài trên 10 năm, đưa vào danh sách các DN có tiềm lực để hỗ trợ đầu tư sang CHDCND Lào.

- Tiếp tục duy trì chế độ tỷ giá mục tiêu được xác định theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước; duy trì ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam để tạo điều kiện ổn định tỷ giá hối đoái,

- Ngân hàng Nhà nước xây dựng cơ chế và khuyến khích các tổ chức tín dụng thương mại cho DN vay vốn đầu tư sang CHDCND Lào qua các Chi nhánh tại Lào hoặc tại hội sở ở Việt Nam; thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư sang CHDCND Lào của trực thuộc Ngân hàng Nhà nước.

Bốn là, thành lập cơ quan chuyên trách hỗ trợ đầu tư ra nước ngoài trực thuộc cục Đầu tư nước ngoài, tăng cường hỗ trợ các DN đầu tư công nghiệp ra nước ngoài về mọi mặt.

- Xúc tiến thành lập ngay một bộ phận chuyên trách hỗ trợ các DN có vốn đầu tư ra CHDCND Lào, Cămpuchia trực thuộc cục Đầu tư nước ngoài- Bộ kế hoạch và đầu tư để hỗ trợ các DN đầu tư ra nước ngoài.

- Hỗ trợ bằng các hoạt động xúc tiến đầu tư, mời lãnh đạo DN đi tìm hiểu thị trường đầu tư CHDCND Lào khi có điều kiện.

- Công khai phổ biến danh mục các dự án nước bạn đang mời gọi đầu tư; phổ biến các chính sách ưu đãi đầu tư của nước ngoài nói chung và của CHDCND Lào nói riêng; giới thiệu các chính sách ưu đãi đầu tư sang CHDCND Lào của Việt Nam.

- Xuất bản tạp chí đầu tư vào Đông Nam Á, sách hướng dẫn hoạt động đầu tư, các tập quán kinh doanh ở CHDCND Lào để DN dễ dàng tiếp cận và thực hiện cơ hội đầu tư.

- Hỗ trợ pháp luật và phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam ở CHDCND Lào để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của DN Việt Nam đầu tư ở CHDCND Lào khi có tranh chấp.

- Hỗ trợ DN Việt Nam ở CHDCND Lào tìm hiểu về phong tục tập quán nước nhận đầu tư, tổ chức các lớp đào tạo tiếng Lào cho cán bộ, công nhân của DN.

WTO đang đến gần, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quản lý Nhà nước trong đầu tư ra nước ngoài nói chung và hoạt động đầu tư công nghiệp vào CHDCND Lào nói riêng để khơi thông nguồn vốn trong nước, tăng hiệu quả đầu tư ra nước ngoài và góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội X của Đảng.
 

Nguồn tin: Theo http://nhaquanly.vn